Mar 14, 2009

Totto-chan - Cô bé bên cửa sổ 『窓ぎわのトットちゃん』

Lần đầu tiên mình đọc cuốn truyện này là năm lớp 2, lớp 3 gì đó. Hồi đó không có tiền mua truyện, toàn đọc truyện cũ truyền từ đời bố mẹ mình và mượn truyện từ Hằng (cũng may là mình chơi với H, có nguyên một kho truyện đủ các thể loại). Mình còn nhớ cảm giác lần đầu tiên đọc truyện này. Lần đầu tiên trong đời mình đọc một mạch từ đầu đến cuối truyện, không nghỉ. Mình thích nó đến nỗi 4 năm sau, tình cờ thấy nó trong một nhà sách nhỏ ở Hà Nội, mình đã không ngần ngại mua ngay.
Cũng không biết mình đã đọc đi đọc lại nó bao nhiêu lần nữa, mà lần nào cũng thấy hay. Mỗi lần đọc, mình lại như trở lại thuở bé, cái thuở mình từng mơ được học trên một lớp học trên con tàu... đượcchọn học và làm những gì mình thích trước... được học những giờ học dã ngoại, được chơi trò chui lồng đèn cá chép... như Totto-chan...
Nếu như bạn chưa từng đọc bao giờ thì hãy đọc đi nhé, là một tác phẩm mà bạn sẽ khó có thể quên được...

Hình ảnh một cô bé hướng cái nhìn về phía cửa sổ - một hình ảnh gần như quá quen thuộc, đó như biểu tượng của tuổi thơ, nhìn về nơi xa xăm với đủ điều ước muốn...
Totto-chan luôn thay đổi xoành xoạch nghề nghiệp trong tương lai của mình vì mỗi lần cô bé lại nhận ra một điều hay hơn trong những công việc mà người lớn làm hằng ngày...
Totto-chan, cô bé hiếu kỳ và tinh nghịch đến mức ngay tuần đầu tiên đi học đã bị đuổi học chỉ vì phát hiện hộc bàn có nắp đậy, đóng ra mở vào liên tục khiến cô giáo chóng cả mặt; chỉ vì em đứng suốt bên cửa sổ nói chuyện với chim sẻ; chỉ vì khiến cả lớp mất tập trung khi gọi người hát rong đến biểu diễn cho mọi người cùng xem...
Và một thầy hiệu trưởng ngồi suốt 4 tiếng đồng hồ chỉ để lắng nghe những gì mà bé Totto-chan nói...

Người lớn đã bao giờ khi nào lắng nghe trẻ con nói chưa?

Tác giả đã viết về người thầy đáng kính của mình thế này: "
Khi viết cuốn sách này, tôi nhận thấy nhiều tình tiết là những kỷ niệm hạnh phúc thời thơ ấu của tôi và, trong thực tế, đó là những hoạt động mà ông đã vạch ra một cách thận trọng để đạt được những kết quả nhất định. Tôi tự nhủ chắc chắn đó phải là điều mà ông Kobayashi hằng suy nghĩ. Hay, thật đáng quý biết bao khi biết rằng ông đã nghĩ về việc đó. Với mỗi một khám phá mới, tôi càng hết sức nhạc nhiên – cảm động và biết ơn ông sâu sắc. Riêng tôi, tôi không thể đánh giá hết câu ông thường nói với tôi “Em biết không, em thật là một cô bé ngoan” đã giúp tôi vươn lên như thế nào. Nếu tôi không đến trường Tomoe và không gặp ông Kobayashi thì rất có thể tôi sẽ bị mệnh danh là “một cô bé hư”, đầy mặc cảm và nhút nhát."

Thầy là người đã dạy cho những tâm hồn thơ bé ấy phát triển một cách toàn diện và tự nhiên... Thầy không chỉ giáo dục các em về văn hóa mà còn dạy cho các em cách cảm thụ âm nhạc, cách yêu một bức tranh vẽ, và góp phần bé nhỏ của mình vào bữa ăn gia đình (như cái cách lấy cải bắp và củ cải làm phần thưởng trong ngày hội thể thao)...
Và một ngôi trường trên những toa tàu, trường Tomoe, ngôi trường chở những đứa trẻ ngây thơ đến tương lai tươi sáng, ngôi trường với những bài học từ những điều giản dị nhất...
Hơn thế, từ những bài học giản dị ấy mà cô bé Totto-chan đã trưởng thành...

Hãy đọc để cảm nhận, để nhớ lại tuổi thơ của mình thông qua suy nghĩ và hành động của Totto-chan ...

Mẩu chuyện mà mình thích nhất là chuyện Totto-chan móc phân từ bể chứa lên để tìm cái ví em đánh rơi. Thầy Kobayashi đi ngang qua, hỏi em đang làm gì, rồi lại thong thả đi tiếp. Lát sau, thầy quay lại, hỏi em đã tìm được chưa? Khi nhận được câu trả lời là chưa của em, thầy chỉ nói một câu: "Cháu sẽ hót trả vào bể sau khi tìm được ví chứ?". Đó là điều khiến mình khâm phục thầy nhất. Không như những người lớn khác, hễ thấy trẻ em làm điều gì đó có vẻ nguy hiểm thì la mắng, ngăn chặn ngay, thầy để cho các em tự do tìm tòi, tự do phát triển, nhưng đồng thời cũng dạy cho các em cách sống trong xã hội, sao cho không làm phiền đến người khác.

Cảnh xúc động nhất trong cuốn truyện đó là hình ảnh Totto-chan giúp cậu bạn bị liệt của mình leo lên cái cây của mình ở sân trường... Ở trường Tomoe mỗi em có một cái cây của riêng mình để các em tự mình chăm sóc. Nếu ai đó muốn trèo lên cây của người nào phải hỏi ý kiến của người đó. Totto-chan muốn giúp cậu bạn bị liệt Yasuaki leo lên cái cây của mình để chỉ cho bạn những điều kỳ diệu ở trên đó. Đứng ở trên chạc ngọn cây rồi Totto-chan không biết làm thế nào để kéo được bạn mình lên. Em quá bé nhỏ. Gần như bất lực, Totto-chan chỉ muốn khóc nhưng lại không dám khóc, chỉ sợ bạn sẽ khóc theo. Cuối cùng em cũng giúp được bạn lên trên chạc cây. Em đã tạo điều kiện cho bạn em được nhìn cái thế giới mà bạn ấy chưa bao giờ được thấy. Đó có lẽ là kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của Yasuaki...

Các bạn có thể đọc trực tuyến tác phẩm này ở đây (không dài lắm đâu, chỉ độ chừng 100 trang thôi)

http://vnthuquan.net/truyen/truyentext.aspx?tid=2qtqv3m3237nnn0nmnnn31n343tq83 a3q3m3237n2n

Các bạn cũng có thể down về từ chỗ này

http://www.esnips.com/doc/ffc086e5-4bab-4739-a47a-8d4cc4a2d581/Totochan---Cô-bé-ngồi-bên-cửa-sổ

Tuy nhiên, nếu có điều kiện, bạn nên tìm mua sách. Nhớ chọn bản nào có in đầy đủ hình minh họa của Chihiro Iwasaki nhé. Có thể nói những tranh minh họa đó là một phần không thể thiếu khi nói đến Totto-chan đấy.

No comments:

Post a Comment