Mar 16, 2009

Óc sáng tạo

Theo
năm tháng, tôi làm việc với hàng trăm người có óc sáng tạo trong nhiều
hãng quảng cáo. Họ là những người sáng tạo để kiếm sống. Theo đơn đặt
hàng mỗi ngày. Họ thuộc đủ thành phần, lứa tuổi, màu da và nhân cách.
Song tất cả họ đều giống nhau ở hai điểm: Thứ nhất, họ đều can đảm; Thứ
hai, họ vô cùng tò mò.

Họ
hầu như không bao giờ thỏa mãn lòng hiếu kỳ về cách vận hành và căn
nguyên của mọi vật. Họ muốn biết về máy làm bánh, về tiến trình hoa
khô, về tục lệ mai táng của người Aztec, về thiết kế môtô, về những nỗi
sợ hãi. Họ biết những chi tiết như tên con ngựa mà Napoleon đã cưỡi ở
trận Waterloo (tên Marengo), lòng trắng trứng tăng kích thước gấp mấy
lần khi đánh lên (7 lần), mỗi ngày loài voi châu Phi ị bình quân bao
nhiêu lần (16).




Hầu
hết mọi người đều tò mò một cách tự nhiên trong suốt đời mình, như một
người trong số họ kể cho tôi nghe, họ “luôn có nhu cầu tìm hiểu”. Đối
với vài người, nhu cầu này bức thiết đến nỗi họ cảm thấy nó là của nợ
hơn là hạnh phúc, nhưng họ nghĩ sai rồi. Bởi vì lý do đầu tiên nhờ đó
họ có khả năng sáng tạo chính là óc tò mò. Óc tò mò cứ giục họ phải
tích lũy từng chút từng chút kiến thức - kiến thức tổng quát về cuộc
sống và sự kiện - vốn là những “yếu tố cũ” mà James Webb Young đã nói
tới.




Đến
một ngày nào đó họ sẽ phối hợp những yếu tố này với các yếu tố khác để
tạo ra ý tưởng. Và càng phối hợp được nhiều yếu tố thì họ lại càng tạo
ra nhiều ý tưởng. Nói cho cùng, nếu “ý tưởng là sự phối hợp mới của
những yếu tố cũ, không hơn không kém”, thì đương nhiên người nào biết
nhiều yếu tố cũ hơn sẽ có nhiều khả năng tìm ra ý tưởng mới, so với
người biết ít hơn. Nếu không có được óc tò mò tự nhiên buộc mình phải
tích lũy từng mẩu kiến thức, bạn phải tự ép mình hằng ngày như thế, một
cách chủ ý.




Sau đây là hai cách tự ép mình thu thập thêm yếu tố cũ:



Giã từ lối cũ

Tất nhiên là bạn đang ở trong một lối mòn. Hãy công nhận đi.



Nếu
không tại sao mỗi sáng thức dậy bạn đều làm cùng những động tác với
cùng phương cách theo cùng một thứ tự duy nhất? Hoặc ngày nào cũng ăn
sáng cùng những món ấy? Hoặc luôn đọc cùng một chuyên mục trong một tờ
báo? Hoặc xem cùng một chương trình truyền hình đó? Hoặc ăn cũng một
kiểu, mặc cũng một kiểu, nghĩ cũng một kiểu, hoặc, hoặc, hoặc…?





bởi vì đang trong lối mòn, ngày nào ngũ quan của bạn cũng ghi nhận cùng
những thứ mà chúng đã ghi nhận hôm qua - cũng những cảnh quan đó, những
cảm xúc đó, mùi vị, âm thanh đó. Ồ, tất nhiên, thỉnh thoảng cũng có vài
điều khác len lén bò vào. Bạn không thể ngăn cản được, phải không? Nếu
cứ tiếp tục trú thân trong lối mòn và để mọi việc tự nhiên bò vào, bạn
sẽ không bao giờ tích lũy được loại dữ liệu phong phú và rộng khắp mà
bạn cần để hình thành ý tưởng mới.




Ngoài
kia có một thế giới bao la, quyến rũ, một thế giới thông tin đang bùng
vỡ ở khắp mọi hướng. Nhưng bạn phải chịu khó nhìn. Và càng nhìn sớm thì
bạn càng ý thức hơn về những “yếu tố cũ” mà chỉ vừa đó thôi bạn chưa hề
biết là chúng hiện hữu.




Hãy thử:

- Nghe một đài radio lạ mà bạn chưa từng nghe bao giờ.

- Đọc nhãn bao bì bánh pizza. Đọc quảng cáo tìm người. Đọc sách nhi đồng. Đọc quyển tạp chí chưa bao giờ nghe nói tới.

- Thử vào một website mà trước đó bạn nghĩ là mình không thích.

- Xem một phim lạ hoắc.

- Chú tâm lắng nghe loại nhạc mà bạn không thích.

-
Tham quan một phòng trưng bày tranh, viện bảo tàng, cửa hiệu, nhà hàng,
chợ, siêu thị, cao ốc…, một chỗ nào đó mà trước nay bạn chưa bao giờ
ghé.




Tất nhiên tôi không khuyên bạn làm tất cả những thứ vừa kể cùng một lúc, nhưng hãy làm điều gì đó ngay ngày hôm nay.



“Nếu muốn có óc sáng tạo - Louis L’amour nói - Hãy đến nơi mà những câu hỏi của bạn đang dẫn bạn đến”.



Học cách nhìn thấy

Cha
mẹ tôi và tôi thường lái xe đến nhà ông bà ngoại chơi mỗi tháng một
lần, ngày đó phải mất hai ba giờ hành trình. Đôi lúc trên đường chúng
tôi cùng chơi trò “ngựa trắng”, người nào bắt gặp một con ngựa trắng
trước tiên, ở bên đường hay trên đồng cỏ, sẽ hô lên “ngựa trắng” và đến
cuối hành trình ai là người phát hiện nhiều ngựa trắng nhất sẽ là người
thắng cuộc. Và điều thú vị mà tôi nhớ về trò đó là khi chơi chúng tôi
nhìn thấy đủ loại ngựa trắng. Nhưng khi không chơi thì hầu như không
thấy con nào cả. Tại sao vậy?




Không
phải tại vì lúc chúng tôi chơi thì ngựa trắng chạy ra đầy đồng, còn khi
không chơi thì chúng trốn mất, mà vì khi tìm thì sẽ gặp, không tìm thì
không thấy. Điều này cũng tương tự như khi bạn mới mua một ôtô, hoặc
giả bạn chỉ cần dự định sắm ôtô. Bỗng dưng bạn cảm thấy quanh mình sao
có nhiều xe giống chiếc đó như thế. Trước đây chúng vẫn hiện diện quanh
bạn, bạn không trông thấy là tại không tìm kiếm, nhưng khi bạn vừa quan
tâm đến một kiểu xe đặc biệt nào đó, thì vô tình hay cố ý, bạn bắt đầu
tìm kiếm. Và kia kìa, nó đó.




Và những gì đúng với ngựa và xe thì cũng đúng với mọi thứ.

Bởi
vì bạn nhìn tất cả những gì tiếp xúc với đôi mắt của bạn. Bạn nhìn
chiếc xe chạy qua trên đường đến công ty, từng khóm cây ngọn cỏ mà bạn
đi qua, từng trụ cáp điện thoại, từng trạm xăng, từng tòa nhà, từng tín
hiệu giao thông, từng ngọn đèn đường, từng người đi đường… Nhưng sao
bạn chỉ nhớ lại được một phần nhỏ xíu của những gì mình đã nhìn? Đó là
bởi vì bạn không thật sự thấy, bạn chỉ nhìn mà thôi. Chỉ là nhìn ngó.
Nhìn ngó thì đâu cần nỗ lực gì? Cũng dễ như hít thở vậy. Còn thấy thì
lại khác, nó đòi hỏi nỗ lực đấy và cả sự tận tụy nữa.




Nhưng nghe này, một khi đã quen rồi thì thấy cũng tự nhiên gần như là nhìn vậy. Để tôi kể bạn nghe thêm một chuyện nhé.



Evanston,
nơi tôi lớn lên, là vùng cấm bán rượu. Muốn uống bạn phải đến Skokie
hoặc xuống tận Howard street, con đường nối liền Evanston và Chicago.
Bob và tôi thường đến Howard street lắm. Hồi ấy thật sự chúng tôi không
có gì để giải khuây cả, hai đứa đều thiếu thước tấc và núc ních, mặt
đầy tàn nhang, vì vậy không thể hẹn hò với cô gái nào cho đời bớt khổ.
Vả chăng ở Howard street lại lắm quán bar bằng lòng bán bia cho bạn mặc
dù bạn chưa đủ 21 tuổi. Mà chưa đủ 19 cũng bán luôn! Đêm kia đang ngồi
quán bar bỗng Bob bảo tôi: “Cúi mặt xuống một lát coi”.




Tôi
làm theo, rồi Bob hỏi: “Phía sau quầy bar có bao nhiêu máy thu tiền?”.
“Một”. “Thật ra là ba” - Bob cho biết. “Tiếp tục nhé, ngoài chúng ta
ra, quán bar còn bao nhiêu người?”. “Mười hai”. “Chỉ tám thôi”.


Và thế là bắt đầu một trò mà chúng tôi tiếp tục chơi đi chơi lại suốt ba năm.



Chúng
tôi vào quán, gọi chai bia, bỏ ra đúng mười phút để nhìn quanh, xem xét
và ghi nhớ từng chi tiết. Sau đó chúng tôi không nhìn nữa và bắt đầu đố
nhau.




“Bao
nhiêu ghế?”. “Bao nhiêu cửa sổ?”. “Từ cửa đến quầy bao nhiêu bước?”.
“Gã pha chế rượu có cặp mắt màu gì?”. “Mô tả trần nhà thử xem?”.




Sau vài tháng chúng tôi nghề đến mức là người này khó hỏi chi tiết nào mà người kia không biết.



“Sau quầy bar có bao nhiêu chai rượu?”. “Khi mới bước vào, mỗi máy thu tiền hiển thị tổng thu bao nhiêu?”.



Đến
khi chúng tôi dừng cuộc chơi thì không còn điều gì mà chúng tôi chưa
nhận biết. “Kể từng chai rượu phía sau quầy”. “Mỗi chai vơi đầy bao
nhiêu?”. “Mô tả chi tiết từng người trong quán”. “Mỗi bàn có bao nhiêu
chai rượu, bao nhiêu ly?”… Chúng tôi đã khám phá điều kỳ diệu của sự
nhận thấy.




Hãy thử làm điều này:

Sáng
mai trên đường đi làm, hoặc khi nghỉ giải lao, bạn nhớ mua một cuốn
tập. Mỗi ngày bạn nhớ ghi vào đó một sự việc gì mà bạn đã nhìn thấy.
Mỗi ngày. Không quan trọng ở điều bạn thấy, mà ở chỗ bạn thấy được điều
gì đó và ghi nó lại. Có thể thêm vào đó cảm tưởng khi nhìn thấy sự việc
đó, càng tốt. Khi nào vở đầy, bạn ngồi xuống và mở ra đọc. Rồi bắt đầu
lại ghi một quyển khác. Rồi quyển khác. Rồi quyển khác. Cho đến cuối
cuộc đời.


Theo Tuổi Trẻ Online

No comments:

Post a Comment